Ngâm gạch trước khi ốp là một trong những công đoạn không thể thiếu trong quá trình thi công, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của quá trình này, thậm chí bỏ qua, dẫn đến gạch sau khi ốp không đảm bảo chất lượng. Cùng CMC Tiles tìm hiểu lý do tại sao phải ngâm gạch trước khi ốp cùng cách thức tiến hành ngâm chính xác và hiệu quả nhất nhé!
Xem thêm:
- 4 yếu tố gạch lát nền có ốp tường được không
- Quy trình lát gạch nền nhà và 8 nguyên tắc lát không thể bỏ qua
- TẠM BIỆT tường nhà nhấp nhô với 6 cách xử lý gạch ốp bị bộp
- 1 thùng gạch lát nền bao nhiêu viên? Trung bình 10 viên tùy kích thước
Nội dung
Toggle1. Có nên ngâm gạch trước khi ốp?
Trên thực tế, không phải bất cứ loại gạch nào cũng bắt buộc phải ngâm trước khi ốp. Tùy thuộc vào đặc điểm và kết cấu của từng loại gạch mà việc ngâm gạch cũng sẽ có sự khác biệt.
Đó cũng chính là lý do hầu hết các loại gạch trên thị trường hiện nay đều cần tiến hành ngâm trước khi ốp. Quá trình ngâm gạch qua nước sạch sẽ rửa trôi những bụi bẩn và làm thoáng lỗ khí. Đồng thời nước sẽ khiến phần keo trên gạch được kết dính với lớp hồ chặt chẽ hơn, tăng diện tích tiếp xúc mặt hồ, hạn chế được rất nhiều rủi ro trong quá trình ốp như ốp lỗi, hỏng gạch,…
Tuy vậy, với một số loại gạch có kết cấu đặc biệt khác, việc ngâm nước hoàn toàn có thể loại bỏ. Điểm hình như gạch giả đá và các loại gạch được sản xuất dưới áp lực nén cực mạnh, các lỗ khí trong gạch gần như không tồn tại nên không cần ngâm.
Ngoài ra, khi sử dụng các chất kết dính như Silicone, Epoxy hay Mastic, gạch cần khô ráo trước khi thi công. Vì vậy không tiến hành ngâm hay để gạch tiếp xúc với nước trong trường hợp này.
2. Lý do cần ngâm gạch trước khi ốp
Vậy ngoài công dung hạn chế thấm nước, còn những công dụng nào khiến việc ngâm gạch trước khi ốp lại quan trọng như thế? Cùng tìm hiểu chi tiết những lý do tại sao phải ngâm gạch trước khi ốp ngay dưới đây nhé!
2.1. Vệ sinh sạch bề mặt gạch
Trong quá trình sản xuất và vận chuyển, bụi bẩn sẽ bám rất nhiều trên bề mặt gạch. Việc ngâm gạch sẽ giúp rửa trôi những vết bẩn, mang lại bề mặt gạch sáng bóng, sạch đẹp. Thời gian vệ sinh nền gạch sau khi ốp nhờ đó cũng được tiết kiệm tối đa.
2.2. Giúp quá trình lát dễ dàng hơn
Các loại gạch cần ngâm thường là gạch được nén dưới cường độ thấp, tạo thành nhiều lỗ khí bên trong, khiến gạch khó bám chặt vào nền và dễ bong tróc về sau. Bằng cách ngâm gạch trước khi ốp, các lỗ hổng trên bề mặt gạch được lấp đầy hơn. Qua đó, lớp hồ vữa sẽ được kết dính chắc chắn và mặt dưới của gạch và tăng khả năng kết dính.
2.3. Hạn chế nứt vỡ khi thi công
Một số loại gạch chất lượng thấp có kết cấu khá giòn và mỏng, trong quá trình thi công, thợ hồ dễ làm vỡ, rạn nứt gạch. Điều này không chỉ làm gián đoạn quá trình thi công mà còn gây thiệt hại không nhỏ về mặt chi phí. Khi ngâm, nước dễ dàng lấp đầy các lỗ hổng trong gạch, giúp làm giảm tối đa độ giòn, gạch có khả năng chịu lực gõ tốt hơn rất nhiều.
2.4. Hạn chế tình trạng thấm ngược
Các loại gạch như gạch bán sứ, gốm, men nếu không qua ngâm nước trước khi lát, phần nước trong hồ dầu, keo xi măng sẽ thấm rất nhanh vào trong xương gạch. Về lâu dài sẽ gây tình trạng loang lổ bề mặt gạch (hay còn gọi là hiện tượng thấm ngược), hoặc khiến gạch bị biến đổi màu (hay còn gọi là hiện tượng lệch màu). Gia chủ sẽ mất rất nhiều chi phí và thời gian để khắc phục, chất lượng mặt nền sau khi lát lại cũng không đảm bảo như lần lát đầu tiên.
3. Cách xác định loại gạch cần ngâm nước trước khi ốp
Để đảm bảo thực hiện ngâm gạch chính xác, gia chủ cần xác định được những đặc điểm của gạch trước khi tiến hành thi công, cụ thể là khả năng thấm hút nước của gạch. Mức độ hút nước và yêu cầu ngâm nước của từng loại gạch như sau:
Phân loại | Tên gạch thành phẩm | Độ hút nước của gạch thành phẩm (Ký hiệu HP) | Ngâm gạch trước khi ốp |
Gạch không hút nước | Gạch porcelain | HP ≤ 0,5% | Không cần ngâm |
Gạch thủy tinh | Gạch sứ | 0,5% < và ≤ 3% | Cần ngâm |
Gạch bán thủy tinh | Gạch bán sứ | 3% < HP ≤ 7% | Cần ngâm |
Gạch không thủy tinh | Gạch gốm, gạch men | 7% < HP và ≤ 20% | Cần ngâm |
3.1. Gạch không cần ngâm trước khi ốp
Như các thông số đã nêu trên, gạch Porcelain là các loại gạch điển hình không cần tiến hành ngâm nước trước khi ốp. Loại gạch này được tạo nên dưới một áp lực nén cực kỳ lớn và có khả năng thấm hút nước rất thấp.
Với sức nén khổng lồ như vậy, không khí hoàn toàn bị ép hết ra ngoài, hầu như không có các lỗ khí bên trong gạch. Cũng vì vậy, việc ngâm nước đối với loại gạch này hầu như không mang lại tác dụng nào. Thay vào đó, trước khi lát chỉ cần vệ sinh gạch sạch sẽ bằng khăn sạch và sử dụng keo dán gạch trộn xi măng để lát trực tiếp.
3.2. Gạch cần ngâm trước khi ốp
Trái với gạch Porcelain, một số loại gạch như gạch bán sứ, gốm, men,… cần ngâm trước khi ốp để đảm bảo chất lượng
Các loại gạch này hầu hết được tạo thành từ đất sét và một áp lực nén với cường độ vừa đủ, vẫn để lại khá nhiều lỗ khí bên trong gạch, đồng thời khả năng thấm hút nước của các loại gạch này đều tương đối tốt. Việc ngâm nước gạch trong trường hợp này không chỉ giúp tránh hỏng gạch mà quá trình ốp gạch cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
4. Hướng dẫn chi tiết 4 bước ngâm gạch trước khi ốp
Để đảm bảo quá trình ngâm gạch đạt hiệu quả cao nhất, mời gia chủ cùng CMC Tiles tìm hiểu quá trình ngâm với 4 bước sau:
1 – Bước 1: Lựa chọn và vệ sinh bể ngâm gạch
Bể ngâm gạch thường nên đặt tại những vị trí thuận tiện cho việc thi công gạch sau khi ngâm như ở góc sân, dưới tán cây, tránh ánh nắng rọi vào bể gạch, khiến gạch bị nóng, nứt vỡ. Trong trường hợp không có bể ngâm, gia chủ có thể quây bạt chống nước vào thành một chiếc bể ngâm.
Sau khi có bể ngâm và chọn được vị trí đặt bể, gia chủ cần cọ rửa sạch bể ngâm để loại bỏ cặn, giúp bụi bẩn trong bể không bám vào gạch khi ngâm.
2 – Bước 2: Đổ đầy bể ngâm bằng nước sạch
Nước để ngâm gạch nên chọn loại nước máy sạch, không sử dụng nước ao hồ, nước chứa phèn, nổi váng để hạn chế tình trạng ố vàng trên bề mặt gạch, gây mất thẩm mỹ và khiến nền nhà bị mốc sau một thời gian sử dụng. Tiến hành đổ nước tối thiểu ⅔ bể ngâm, sau đó tiếp tục đổ thêm nếu như lượng nước trong bể chưa đủ để ngập mặt gạch.
Gia chủ chú ý không sử dụng các chất tẩy rửa trong quá trình ngâm, khiến bề mặt gạch bị phai màu, chất gạch bị biến đổi, không đảm bảo chất lượng. |
3 – Bước 3: Xếp gạch vào bể ngâm
Gia chủ nên xếp gạch nhẹ nhàng, từng viên một để nước dễ dàng thấm đều vào xương gạch, đồng thời giúp việc lấy gạch ra sau khi ngâm dễ dàng hơn. Sau khi xếp một viên gạch, gia chủ nên chờ từ 30 giây đến một phút rồi mới xếp viên tiếp theo để đảm bảo toàn bộ viên gạch được tiếp xúc với nước.
Nếu số lượng gạch quá lớn, không đủ ngâm trong bể, gia chủ có thể chia gạch ngâm thành nhiều mẻ. Tuy nhiên, nên thay nước sau mỗi mẻ ngâm để đảm bảo nước trong bể luôn sạch sẽ.
4 – Bước 4: Lấy gạch ra khỏi bể ngâm
Gạch phải được ngâm trong nước tối thiểu một tiếng trước khi lấy ra để đảm bảo nước thấm vừa đủ. Khi lấy gạch ra khỏi bể ngâm, gia chủ nên lấy từng viên một và thao tác nhẹ nhàng vì gạch dính nước có độ trơn nhất định, không cẩn thận rất dễ rơi vỡ, hao tổn chi phí.
Gạch sau khi được vớt ra khỏi bể cần được xếp gọn gàng trên bề mặt sạch sẽ như bạt chống nước, vỏ bao sạch, tránh bám bụi lại. Sau đó gia chủ vệ sinh lại bể ngâm, thay nước cho những lần ngâm tiếp theo.
Như vậy, quá trình ngâm gạch trước khi ốp là một bước không thể thiếu trong quá trình thi công lát nền hoặc ốp tường. Với những kiến thức trên, CMC Tiles hy vọng gia chủ đã nắm được quy trình ngâm gạch hiệu quả và chính xác, tiện lợi trong việc theo dõi thợ thi công hoặc thậm chí tự thực hiện tại nhà dễ dàng.